BÀI SỐ 4: TIA CHỚP ĐÔNG PHƯƠNG

BÀI SỐ 4: TIA CHỚP ĐÔNG PHƯƠNG

(SƯU TẦM)

Mấy năm trước tôi có dịp nói chuyện với các nhà lãnh đạo Hội Thánh tư gia trong một buổi nhóm ở ngoại ô thành phố Tây An, Trung Quốc. Đến chiều, tôi để ý thấy có một thiếu phụ mới hơn 20 tuổi có mặt trong buổi nhóm. Trong giờ ăn thông công và nghỉ giải lao, chị đi cà nhắc quanh phòng, chân bên phải bị cứng và liệt. Mặt chị ốm o gầy mòn, không thấy có niềm vui sâu xa chan hòa trên mặt như các anh chị em khác trong buổi nhóm.

Cuối ngày huấn luyện đó, người anh em tổ chức buổi nhóm hỏi người cộng sự của tôi và tôi có muốn cầu nguyện cho các tôi tớ Chúa lãnh đạo ở đây không. Dĩ nhiên chúng tôi đồng ý, và người đầu tiên đến với chúng tôi là người thiếu phụ đi cà nhắc kia. Đinh ninh chị sẽ nhờ tôi cầu nguyện cho thương tật của chị, nên tôi hỏi, “Chân chị bị sao vậy?” Chị liền nhìn xuống đất mà nước mắt ràn rụa.

Chị nhỏ nhẹ giải thích, “Thưa mục sư, mấy tháng trước tôi bị gạt gia nhập tà giáo Tia Chớp Phương Đông (TCPĐ). Khi hiểu ra họ không tin Kinh Thánh và cũng chẳng tin Chúa Giê-xu, tôi tính bỏ đi, nhưng họ không cho. Để tôi không bỏ trốn, họ đánh gãy chân tôi bằng một thanh sắt. Nhờ sự giúp đỡ của một chị em khác, cuối cùng tôi trốn thoát, nhưng TCPĐ sai người tìm kiếm đặng giết tôi. Chân trái của tôi bây giờ gần như trở lại bình thường, nhưng chân phải thì tổn thương quá nặng và còn rất đau”.

Hít sâu một cái, chị nói tiếp, “Xin mục sư cầu nguyện cho tôi, không chỉ để Đức Chúa Trời chữa lành chân tôi mà xin cho cả tâm hồn tôi nữa. Tà giáo kia tẩy não tôi và tra tấn tôi suốt mấy tuần liền. Tôi vẫn còn cố tìm kiếm sự bình an của Đức Chúa Trời trong đời sống tôi như trước kia tôi đã từng có. Xin cũng cầu nguyện để Chúa giấu tôi khỏi những kẻ muốn cướp lấy mạng sống tôi”.

Nhiều năm liền tôi đã nhận được liên tiếp nhiều báo cáo về ảnh hưởng tai hại mà TCPĐ đã gây ra cho con cái Chúa ở Trung Quốc, nhưng bây giờ tôi mới thấy điều đó dường như hiện ra cụ thể trước mắt.

Người thứ hai đến nhờ tôi cầu nguyện hôm đó cũng có kinh nghiệm tương tự là bị TCPĐ bắt cóc, và sau đó vài ba người nữa cũng nói là bị như vậy.

Sau đó, khi đang ăn hủ tíu, tôi hỏi người lãnh đạo Hội Thánh tư gia ở đó xem tình hình hầu việc Chúa thế nào. Thông thường các Hội Thánh tư gia Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh và hễ có thì giờ làm chứng ơn phước Chúa là họ ca ngợi tôn vinh Chúa suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Nhưng lần này người anh em lãnh đạo công việc Chúa ở miền Tây Bắc Trung Quốc nói, “Công việc không được tốt. Năm ngoái chúng tôi có hơn 520 Hội Thánh. Bây giờ chỉ còn khoảng 450. Năm ngoái nhiều nhà lãnh đạo Hội Thánh chúng tôi là mục tiêu tấn công của TCPĐ. Có người bị lôi kéo bằng tiền bạc nên bỏ đi theo họ. Sau đó họ mới ngã ngửa là mình đang theo một tà giáo không tin Kinh Thánh, nhưng lúc đó thì muốn đi cũng không được nữa rồi. Mấy chục tín hữu của chúng tôi đã mất tích, mấy chục người khác bị què. Một số thoát được tay của tà giáo đó thì đang trốn chui, trốn nhủi, sợ bị tìm giết. Ít nhất đã có hai người bị giết rồi. Những người khác thì biệt vô âm tín.”

Ông nói tiếp, “Paul này, xin thông báo cho con cái Chúa trên khắp thế giới biết để cầu nguyện cho chúng tôi và cầu nguyện Chúa triệt hạ lực lượng tà linh rất mạnh đang hành động đàng sau TCPĐ nhằm tiêu diệt chúng tôi. Trong quá khứ nhiều người trong chúng tôi đã bị tra tấn và chịu nhiều khó khăn trong tù dưới tay của chính quyền, nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được và giữ vững đức tin. Nhiều nhà lãnh đạo thậm chí nói rằng thà bị tù lần nữa còn hơn là bị lọt vào tay của tà giáo gian ác này. Mối đe dọa của TCPĐ còn tệ hơn nhiều so với mọi điều mà chủ nghĩa vô thần có thể gây ra cho chúng tôi”.

Khi lời thỉnh cầu của người anh em đó vẫn còn vang vọng bên tai, tôi lại được tin từ Trung Quốc (19/4/2002) về vụ bắt cóc 33 nhà lãnh đạo hàng đầu của Hội Thông Công Tin Lành Trung Quốc do TCPĐ gây ra.

Trước sự quan tâm sâu sắc của hàng ngàn Cơ đốc nhân trên khắp thế giới đối với tình cảnh ngặt nghèo của anh chị em người Trung Quốc nhưng không mấy ai được biết rõ về TCPĐ, tôi quyết định viết bài này để bàn về nguồn gốc, thần học và cách hành động của TCPĐ. Tôi hy vọng rằng Cơ đốc nhân trên khắp thế giới sẽ cầu nguyện khẩn thiết cho thử thách nặng nề mà các Hội Thánh tư gia Trung Quốc đang trải qua.

Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn” (Ê-phê-sô 5:11).

I. TIA CHỚP ĐÔNG PHƯƠNG LÀ AI?

“Tà giáo Satan TCPĐ là một trong những tà giáo xấu xa và gian dối nhất tôi từng gặp ở Trung Quốc. Họ đúng là sói đội lốt chiên: Họ công kích Đức Chúa Giê-xu Christ, bóp méo và xuyên tạc Kinh Thánh, phá hủy gia đình và đời sống, gây ra nhiều tổn thương và thiệt hại cho tín đồ là những người đã được chuộc mua bằng huyết báu của Chúa Cứu Thế! Họ là ma quỷ giả làm tôi tớ của sự sáng, là kẻ hầu việc Satan, là tiên tri giả theo đường lối của Balaam. Nguyện Chúa thương xót những kẻ được chọn để họ có thể phân biệt, bác bỏ mọi lời dối trá và lừa đảo đến từ Satan. Nguyện anh em chúng ta luôn luôn cảnh giác! Nguyện những ai bị dẫn dụ hãy mau chóng ăn năn quay trở lại!” Ms Pang K.H., Hội Thánh Đấng Christ Trung Quốc ở Saipan, 20/9/2000.

Tia Chớp Phương Đông, tên Trung Quốc là Dongfang Shandian (Đông Phương Thiểm Điện), được sáng lập do Zhao Weishan (Triệu Vệ Sơn) ở thành phố Acheng, tỉnh Hắc Long Giang, vào năm 1989. Triệu vốn là một tín đồ bất mãn của hệ phái Shouters. Ông bác bỏ nhiều tín lý của Shouters và cùng với nhiều người khác tách ra lập nhóm riêng mang danh là “Hội Thánh Nguồn Nước Vĩnh Cửu”. Triệu bắt đầu tự xưng là “Chúa Quyền Năng”.

Nhóm này tăng trưởng nhanh, và tranh thủ được một nguồn tài trợ dồi dào giúp họ có thể lập một nhà in thầm lặng, ấn hành hàng ngàn tập sách và chứng đạo đơn để tuyên truyền cho quan điểm của mình. Đến năm 1991, khi nhóm bị tuyên bố là bất hợp pháp và nhà in bị đóng cửa thì họ đã có được hàng ngàn tín đồ rồi.

Triệu và các nhà lãnh đạo chủ chốt khác chạy trốn nhà cầm quyền tỉnh Hắc Long Giang và bắt đầu tái hoạt động ở tỉnh Hà Nam. Năm 1993, Triệu đổi tên giáo phái của mình thành “Đức Chúa Trời Đích Thực” và tuyên bố là đã nhận được thiên khải qua câu Kinh Thánh “Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con Người đến sẽ cũng thể ấy” (Ma-thi-ơ 24:27). Đó là lý do tại sao họ lại có tên gọi phổ thông là “Tia Chớp Phương Đông” hay “Tia Chớp Từ Phương Đông”.

Triệu sai phái các lãnh đạo chủ chốt như Yi Haitao (Nghê Hải Thao), Zhang Xindong (Trương Tân Đông) và Zhang Hongzhen (Trương Hồng Chân) đi khắp nơi trong tỉnh Hà Nam truyền bá giáo lý của họ cho hàng ngàn người. Nhiều người bị gạt gia nhập nhóm của họ là tín đồ tư gia thôn quê thất học, ít được dạy dỗ về Kinh Thánh, do đó dễ bị rơi vào ảnh hưởng của nhóm này. Họ cũng nhắm đến đối tượng là sinh viên đại học nhưng không có nền tảng vững vàng về Kinh Thánh.

TCPĐ nhanh chóng lan rộng sang các tỉnh lân cận như An Huy, Thiểm Tây và Giang Tô, rồi sau đó sang hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc. Ngày nay TCPĐ tăng trưởng cực nhanh ở ít nhất là 22 tỉnh thành của Trung Quốc, tổng số tín đồ của họ được cho là lên đến hàng triệu. Một bài báo tháng 11 năm 2001 của tờ Time Magazine viết rằng, TCPĐ cho biết chỉ có 300 ngàn tín đồ trên khắp Trung Quốc, nhưng con số này gần như chắc chắn là bị cố tình rút xuống, nhất là khi chính quyền Trung Quốc công nhận TCPĐ đã thâm nhập vào hơn 20 tỉnh của nước này.

TCPĐ được tổ chức qui mô và bí mật. Cơ cấu của họ mang tính phẩm trật rõ nét, đi từ “người được Đức Thánh Linh sử dụng” (Triệu) đến các giáo hạt trưởng, khu vực trưởng, giáo xứ trưởng, và trưởng nhóm tế bào. Mỗi tín đồ đều có trách nhiệm với phần việc được giao phó phải thực hiện.

TCPĐ vốn rất chú trọng đến tài liệu in ấn. Theo bài phát biểu của ông Bi Rongsheng (Tất Dung Thắng), phó giám đốc Cơ Quan An Ninh Shijiazhuang, thì tà giáo này đã ấn hành tổng cộng 870 ngàn quyển sách từ năm 1989 đến 1999.

Thay vì tìm cách truyền giáo cho người không tin Chúa, dường như TCPĐ lại quyết định tốt hơn là nên dụ dỗ những người đã tin Chúa rồi. Mục tiêu của họ không phải là những tín hữu danh nghĩa (hữu danh vô thực), nhưng rõ ràng nhắm vào các nhà lãnh đạo Hội Thánh và những người có uy tín lớn nhất. Phương pháp của họ bao gồm dụ dỗ bằng tiền bạc, đánh đập và tra tấn, quyến rũ bằng sắc dục và tẩy não.

Năm 1997, tờ Thiên Phong, tờ báo chính thức của Phong Trào Tam Tự Yêu Nước (Hội Thánh được Nhà Nước Trung Quốc công nhận) hoảng sợ trước những vụ cướp chiên của TCPĐ đối với các Hội Thánh địa phương của họ nên đã đăng bài vạch mặt tà giáo này, cảnh cáo tín hữu phải đề phòng. Bài báo viết, “Các giáo sĩ của TCPĐ lẻn vào mọi ngõ ngách, quyến dụ đặc biệt là các nhà lãnh đạo và truyền đạo của các tôn giáo khác, những người đã từng có nhiều năm giảng đạo, và khi có người giữ địa vị quan trọng bị mắc bẫy thì người đó trở nên công cụ và đồng lõa với họ trong tội ác”.

Ngay cả Giáo Hội Công Giáo cũng có nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu bị dụ dỗ chạy theo TCPĐ. Theo báo cáo chính thức của chính phủ Trung Quốc, “Tà giáo này đang tăng gia nỗ lực thâm nhập vào các Hội Thánh Công giáo thầm lặng nhằm gia tăng sức mạnh của mình qua việc liên kết với các thế lực thầm lặng khác. Cơ Quan An Ninh ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) phát hiện rằng các tổ chức Công giáo ở các vùng như Zunhua, Fengnan và Qianan đã bắt tay với tà giáo này”.

Người sáng lập TCPĐ là Triệu Vệ Sơn đã được cho tỵ nạn ở Hoa Kỳ vào năm 2000 với lý do bị bắt bớ về niềm tin tôn giáo. Từ trụ sở ở Mỹ, ông ta tiếp tục điều hành hoạt động của tà phái bên trong Trung Quốc và trên khắp thế giới.

Mấy năm gần đây, TCPĐ đã móc ngoặc với nhiều nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng Sản ở nhiều địa phương khác nhau. Sau khi đã truyền giáo cho những người này và bảo đảm có được sự trung thành của họ rồi thì TCPĐ thuyết phục các viên chức này dùng ảnh hưởng của mình để bảo vệ tín đồ của giáo phái và tạo cơ hội cho giáo phái phát triển. Mặc dù TCPĐ đứng hàng thứ hai trong danh sách “tà giáo hàng đầu” của Bắc Kinh, chỉ xếp sau có Pháp Luân Công, nhưng những nỗ lực dẹp bỏ TCPĐ dường như bị ém đi bởi giới chức ở các địa phương đã chạy theo hay bị tà giáo mua chuộc.

Dù chúng ta thấy TCPĐ tấn công các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo của Công Giáo và Hội Thánh Tam Tự, nhưng rõ ràng là trọng tâm của tà giáo này là nhắm vào các Hội Thánh Tin lành tư gia thầm lặng, được cho là có từ 50 triệu đến 70 triệu tín đồ trên cả nước.

Advertisement