
Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Của Tiến Sĩ T.L và Daisy Osborn với Ralph Mahoney
Phần C – NGƯỜI LÃNH ĐẠO CẦN BIẾT ĐIỀU GÌ…
PHỤ NỮ ĐỐI VỚI CHỨC VỤ
Chương IV: NAN ĐỀ CỦA PHỤ NỮ TRONG CHỨC VỤ
A. SỰ THIẾT LẬP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ.
1. Người Nữ Là Người Phụ Giúp.
Đức Chúa Trời phán với người nam “loài người ở một mình thì không tốt ”.
Rõ ràng là Đức Chúa Trời không hề định để người nam ở một mình. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, ý muốn của Chúa cho người nam là có một người nữ để giúp đỡ, ở bên cạnh và họ sẽ chia xẻ với nhau, làm việc và sống bên nhau- một đơn vị dưới Đức Chúa Trời.
“Đây chính là sự đồng hành, bao gồm sự hợp tác, làm việc bên nhau, thờ phượng và cầu nguyện cùng nhau, đồng hầu việc, đồng chăn bầy cũng như cùng nhau chinh phục các linh hồn”.
“Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ ”.
Những người nam Cơ Đốc hãy biết rằng vợ của họ là những người giúp đỡ họ trong cuộc sống, chứ không phải là nô lệ hay đầy tớ là người vợ, người cùng chia xẻ, bạn đồng hành.
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho Ađam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lắp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam. Ađam nói: “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra ”(SaSt 2:21, 23).
Đây là cách mà một người nam phải nghĩ về vợ mình và người nam phải yêu vợ như yêu chính mình (Eph Ep 5:28, 29).
Ađam nói: “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ. Vì do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác ”(SaSt 2:23, 24).
Đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời cho người nam và người nữ. Đây là sự đồng hành trong yêu thương. Hôn nhân là tình trạng hạnh phúc của hai người nam nữ, là chia sẻ cuộc sống với nhau trong tình yêu thương. Đó chính là ý định của Đức Chúa Trời.
2. Người Nữ Là Người Bạn Tình.
“Bởi vậy, cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác ”(2:24).
Luật pháp của Kinh thánh không cho phép một người nữ hay người nam độc thân có quan hệ tình dục. Người nữ phải còn đồng trinh cho tới sau lễ cưới. Trong thời Cựu Ước, nếu người nào có thể chứng tỏ người nữ không còn đồng trinh khi làm đám cưới thì nàng sẽ bị đem đến cửa nhà của cha mình và sẽ bị những người nam trong thành ném đá cho đến chết. (PhuDnl 22:20-21).
Trong thời Tân Ước, Chúa Giêxu bày tỏ sự thương xót cho những người phạm luật đạo đức nói trên. Ngài tha thứ và phục hồi địa vị họ với lời khuyên này:“Hãy đi, đừng phạm tội nữa ”(GiGa 8:11).
Tình dục là một phần quan trọng trong đời sống hôn nhân. Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho quan hệ tình dục phải được vui hưởng đúng chỗ và giữa những người thích hợp, tức là những người bạn đời qua hôn nhân.
Người Do Thái cảm xúc mạnh mẽ về điều này đến độ một người nam mới lập gia đình được miễn những bổn phận quân sự và công việc trong nguyên một năm để anh ta có the”…vui vẻ cùng vợ mà mình mới cưới ”(PhuDnl 24:5).
Điều hạn chế duy nhất là người chồng và người vợ không được có quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt (LeLv 18:19).
Tình dục phải được cả người vợ lẫn người chồng vui hưởng. Đức Chúa Trời nói với Êva:“Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi ”(SaSt 3:16).
Trong Nhã ca, người nữ rất táo bạo, hôn chồng rồi dẫn chồng vào phòng ngủ. Nàng bày tỏ tình yêu với chồng một cách nồng nhiệt và thúc giục chồng vui hưởng mối quan hệ xác thịt (Nha Dc 1:2; 2:3; 3:6; 8:10; 8:14).
Trong thời Tân Ước, có một sự bất đồng ý kiến trong Hội thánh Côrinhtô về vai trò của tình dục. Một số người dường như chạy theo quan điểm Hy Lạp (mọi quan hệ tình dục đều được chấp nhận kể cả thông dâm, ngoại tình, mãi dâm và quan hệ đồng tính luyến ái).
Một số người khác thì nghĩ rằng tình dục là tội lỗi và người ta không nên có quan hệ tình dục dù với vợ hay chồng (xem ICôrinhtô 7).
Phaolô nhắc nhở người Côrinhtô là ngoại tình và đồng tính luyến ái là tội lỗi và cần phải tránh (ICo1Cr 6:9-11).
Nhưng ông nói rằng vợ chồng phải vui hưởng tình dục Chúa ban. Phaolô dạy rằng“Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ.
Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện, rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo khi quỉ Satan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng! ” (7:3-5).
3. Cuộc Hôn Nhân Lý Tưởng Bị Mất
Ađam và Êva rất thỏa lòng, họ yêu nhau. Họ nên một thịt. Nhưng rồi người đàn ông đầu tiên và người đàn bà đầu tiên đã không vâng lời và tội lỗi của họ đã đem đến hình phạt của luật pháp Ngài: “Linh hồn nào phạm tội sẽ chết… ” (Exe Ed 18:20).
Họ bị đuổi khỏi vườn Êđen vì họ không thể sống dưới sự hiện diện của Đức Chúa Trời sau khi đã phạm tội.
Họ trở thành nô lệ và vâng phục Satan. “Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục hoặc của tội lỗi đến sự chết hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao? ”(RoRm 6:16). Ađam và Êva đã có một chủ mới và đó là lý do tại sao rắc rối xảy ra.
Trong lòng của người nam và người nữ, dục vọng bắt đầu chiếm chỗ của tình yêu. Ham muốn và tội lỗi chiếm chỗ của sự tốt lành. Những ham muốn xấu xa bắt đầu lộ ra.
Hàng thế kỷ trôi qua, vì người nam có tầm vóc lớn hơn và cơ bắp khỏe hơn, sự xấu xa trong lòng đã khiến họ biến người nữ thành nô lệ cho họ.
Thay vì đáp ứng nhu cầu yêu thương, giúp đỡ và bầu bạn để bảo vệ và chăm sóc, thì người nam lại hạ thấp xem thường thân thể của người phụ nữ chỉ vì muốn thỏa mãn dục vọng của mình.
4. Chúa Đem Lại Sự Phục Hồi
Cảm ơn Đức Chúa Trời vì sự phục hồi đã được cung cấp cho tình trạng sa ngã của người nữ (người nam) này, tức là sự cứu chuộc mà qua đó người nữ được phục hồi lại vị trí đúng đắn của mình bên cạnh người nam.
Đó là trong sự chết và sự hy sinh của Chúa Giêxu Christ. Ngài đến để gánh lấy tất cả những hậu quả tội lỗi của chúng ta, của những người nam cũng như của những người nữ. Ngài đến để chuộc tất cả chúng ta lại vị trí của chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau.
B. TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH.
Trong Mat Mt 19:3-9 Chúa Giêxu đưa ra tiêu chuẩn của Ngài cho mối quan hệ của người nam, người nữ. Những người Do Thái thời Chúa Giêxu có một tiêu chuẩn thấp hơn của Môise và sau đó là những lời giải thích và dạy dỗ theo Talmudic.
Chúa Giêxu giải thích rõ ràng là những truyền khẩu đó không thể hủy bỏ được mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho người nam và người nữ. Ngài đến là để thiết lập lại mục đích và dự định ban đầu của Đức Chúa Trời. “Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môise cho phép để vợ, nhưng lúc ban đầu không có như vậy đâu”
1. Phụ Nữ Bị Cấm Phát Biểu
Các nhà thần học không nhấn mạnh sự kiện rằng công việc cứu chuộc của Đấng Christ là phục hồi mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời và phục hồi lại vị trí ban đầu của người nữ là ở bên cạnh người nam. Vì vậy họ thường cấm phụ nữ phát biểu trong hội thánh.
Cách đây khoảng 2000 năm Chúa Giêxu đã đánh giá cao người phụ nữ, nhưng ngày nay theo truyền thống của hội thánh thì phụ nữ bị cấm giảng hay dạy dỗ.
Sự ủng hộ của các nhà thần học cho sự hạn chế này là dựa trên một số lời dạy dỗ của sứ đồ Phaolô về sự sữa chữa thói lạm dụng ở giữa vòng những người nữ mới được tự do (phần lớn là những người nữ thất học). Phaolô chỉ đơn giản củng cố những luật cơ bản của phép xã giao và phép lịch sự.
Cho phụ nữ tự do cầu nguyện và nói tiên tri trong các buổi nhóm tôn giáo là điều quá mới lạ đến nỗi gây ra nan đề trong những Hội thánh có người Do Thái lẫn Người Ngoại nhóm chung.
Thật không dễ dàng chút nào cho những Cơ Đốc Do Thái đầu tiên chấp nhận sự bình đẳng thuộc linh mới mẽ này cho phụ nữ. Ý kiến cho phụ nữ tham dự vào các nghi thức tôn giáo thật là quá lạ lùng đến nỗi trở nên hết sức phạm thượng. Phụ nữ thậm chí không được phép ở trong sân thờ phượng trong đền thờ của người Do Thái.
Những người Do Thái quay trở lại tin nhận Đấng Christ rất trung thành với những thói quen cũ. Tín đồ Do Thái vẫn còn giữ luật pháp về thức ăn trong thời Cựu Ước (xem phần 500 năm giữa Tân Ước và Cựu Ước).
Họ tiếp tục làm phép cắt bì, và thậm chí ra lệnh cho những giáo sư Do Thái đi ra giữa vòng người ngoại buộc người ngoại phải chịu phép cắt bì. Vì vậy phụ nữ được phép phát biểu trong hội thánh chắc chắn là điều khiến họ bực mình.
Truyền thống Do Thái cấm phụ nữ phát biểu trong nhà hội. Trong khi đó không có thẩm quyền nào của Kinh Thánh nói về những luật như thế, những tín đồ Do Thái vẫn còn khăng khăng giữ truyền thống tôn giáo của họ.
2. Sắp Xếp Chỗ Ngồi Đặc Biệt.
Việc sắp xếp chỗ ngồi nơi nhóm họp là một phong tục còn sót lại trong đền thờ của người Do Thái. Luôn luôn có một sân dành cho phụ nữ vì phụ nữ thường bị giới hạn tại các hàng cuối của các nhà hội nơi những lời trò chuyện bép xép của họ không gây phiền toái cho buổi thờ phượng thiêng liêng.
Những người nam, vốn sẵn là những công cụ thiêng liêng của Đức Chúa Trời chiếm khu vực chính nơi họ có thể thực hành sự thờ phượng thiêng liêng, hướng dẫn những buổi nhóm họp, tranh cãi, thảo luận về những vấn đề thông thường, công việc làm ăn, vấn đề, và hành lễ.
(Có nhiều Hội thánh trong một số quốc gia, Ai Cập chẳng hạn, vẫn cho phụ nữ ngồi riêng).
Vào thời Phaolô, phụ nữ thường chỉ được xem là hơn những bất động sản của con người một chút. Họ thường thất học, thiếu văn hóa và thiếu khôn ngoan.
Trong thời cách mạng Cơ Đốc mới, những người nam Do Thái mới quay lại đạo chấp nhận một cách hằn học sự kiện là phụ nữ có thể được cứu.
Nhưng hãy xem những thành kiến đối với phái nữ, thật là một nỗi thống khổ tinh thần để hợp nhất họ lại trong nơi thánh và những “tạo vật thấp kém” này phát biểu hay dạy là điều không cần bàn cãi đến nữa. Sự cao trọng của nam giới không chịu được mức độ sỉ nhục này.
Sự tự do của phụ nữ trong Đấng Christ mới được khám phá ra đã xung đột trực tiếp với hệ thống Do Thái cũ và kết quả là một hàng rào rõ rệt giữa nam và nữ trong cộng đồng những Cơ Đốc Nhân thời đầu tiên.
3. Trật Tự Và Sự Nghiêm Trang Cần Thiết.
Điều làm cho mọi sự tệ hơn là phụ nữ thường không được giáo dục và họ có khuynh hướng khoe khoang sự tự do mới tìm được, giống như những người bị đàn áp được giải phóng cách bất ngờ.
Trước đây họ bị giữ ở bên sân dành cho họ, bây giờ họ có thể bước vào bên trong nơi họ có thể nhìn và nghe thấy mọi điều.
Thật là một điều hấp dẫn, kích thích tâm trí họ. Một số thì nói thẳng thắn, một số thì ồn ào, náo nhiệt, số khác thì tò mò, tọc mạch, đây là một chiều hướng mới mẻ. Nhưng sự hiện diện và tính ba hoa của họ là một sự xúc phạm đến những người nam Do Thái đã bị căng thẳng bởi sự tự do mới mẻ này cho phép phụ nữ bước vào trong cộng đồng của những người thờ phượng.
Khi những phụ nữ này nghe được những sự thảo luận trong Hội thánh thì một số đã không kềm chế được mà réo gọi chồng mình để nhờ giải thích, có người thì phản đối một vấn đề nào đó hay tham dự vào cuộc thảo luận, đưa ra câu hỏi và nhiều khi nói ra một lời tiên tri hay một lời giải thích, thường thì một cách rất hỗn độn, từ chỗ ngồi của phụ nữ la to lên để phía nam có thể nghe được.
Xin nhớ rằng sự náo nhiệt này là sự bày tỏ của những phụ nữ được giải phóng đầu tiên trên thế giới. Họ chưa được huấn luyện hay đưa vào kỷ luật trong vai trò tự do mới mẻ này trong Đấng Christ. Lần đầu ngồi trong nhà hội, nghe và nhìn thấy mọi điều là một kinh nghiệm quá lớn lao đối với họ. Họ chưa học cách tự kiềm chế và vì vậy họ tuôn ra những gì họ nghĩ hoặc cảm thấy.
Phaolô đang cố để thiết lập một ít trật tự và sự trang nghiêm trong sự tự do mới mẽ này của các Cơ đốc nhân. Đối với ông thật là một điều không thích hợp khi những phụ nữ này phô trương sự tự do của họ và nói lớn tiếng từ hàng ghế cuối dành cho phụ nữ. Việc phụ nữ đặt câu hỏi hay khẳng định sự tự do mới mẻ của họ bằng cách nói tiên tri hay tranh cãi về các học thuyết thật không đúng đắn chút nào. Việc phụ nữ dạy cho nam giới những ý tưởng mà họ cho là được mặc khải là điều rất khác thường.
Việc trẻ con kêu khóc và phụ nữ kêu la để cho phái nam chú ý đến là một sự bày tỏ gây hổ thẹn và gây ngăn trở cho những người nam Do Thái mới quay trở lại đạo. Phaolô biết một số việc mà cần phải thực hiện đó là những phụ nữ này đang khai thác sự tự do mới của họ và họ phải học để thích ứng với vai trò mới được giải phóng trong Đấng Christ.
Chính trong hoàn cảnh này mà Phaolô đã đưa ra những sự dạy dỗ liên quan đến thái độ của phụ nữ trong một buổi nhóm tại Hội thánh.
Để cho những phụ nữ năng nổ và chưa được huấn luyện này đứng lên làm rối loạn Hội thánh thì chẳng lịch sự hay thích hợp chút nào. Một số quá nóng nảy đã thảo luận với nam giới nơi công cộng thuyết phục dư luận bằng cách đưa ra những quan điểm của mình cách công khai.
Hãy tưởng tượng sự náo loạn một phụ nữ nhà quê cứng cõi có thể gây ra trong một tình huống như vậy.
Tôi có thể hiểu được điều này vì tôi đã đến nhiều nước nơi phụ nữ vẫn còn bị trói buộc bởi những luật lệ của bộ tộc, bị mua bán như súc vật và bị đàn ông sở hữu và sử dụng. Trong nhiều lãnh vực phụ nữ bị cấm tham gia vào những nghi lễ tôn giáo hay tham dự một buổi lễ tế thần. Họ bị áp bức và không có tự do ngôn luận.
Ngày nay, trong nhiều quốc gia khi những người này quay trở lại tin nhận Chúa và khi những phụ nữ này khám phá ra sự tự do mới trong Đấng Christ, thì đây chính là lúc họ điều chỉnh vai trò mới của họ như là một phụ nữ cơ đốc được tự do.
Trong một số khu vực chậm phát triển tôi đã thấy sự náo loạn mà Phaolô đã từng trải. Tôi đã phải bảo những phụ nữ miền quê om sòm và ít học im lặng đợi cho đến khi nào về nhà rồi hãy thảo luận vấn đề. Để cho những phụ nữ ngực trần, đương cho con bú đứng lên bàn cãi một vấn đề với những cử chỉ ở ngoài chợ thì thật không thích hợp chút nào.
Trong một số vùng theo đạo Hồi, nơi phụ nữ phải che mặt vì đối với họ để cho bất cứ một người đàn ông nào khác ngoài chồng nhìn thấy mặt là điều xấu hổ, thì họ không được thoải mái nơi công cộng.
Nhiều lần tôi đã nói với những người nam theo đạo hồi đem theo vợ và đó là một kinh nghiệm kỳ lạ đối với những phụ nữ này.
Tôi đã nhìn thấy họ quá khích động bởi sứ điệp Tin lành đến nỗi họ làm xáo trộn buổi nhóm của chúng tôi bởi sự thảo luận ồn ào của họ, gọi chồng để đặt câu hỏi và yêu cầu giải thích điều tôi chia sẻ.
Đây là một tình huống mà Phaolô phải đối diện và ông đã phải đưa ra phương cách thực tế để giúp Hội thánh tránh khỏi sự phân rẽ và sự nhục nhã.
C. ĐOẠN KINH THÁNH GÂY VẤN ĐỀ 1: BỊ CẤM PHÁT BIỂU.
Một đoạn Kinh thánh dùng để cấm phụ nữ nói được tìm thấy trong ICo1Cr 14:34-35. Theo bản dịch của King James:“Đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em, họ không có phép nói tại nơi đó nhưng phải phục tùng như luật pháp dạy. Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà, bởi vì đàn bà nói lên trong Hội thánh là không hiệp lẽ ”.
Nếu đây là ý định của Phaolô để cấm phụ nữ mở miệng hay sử dụng tiếng nói của mình trong buổi thờ phượng tại Hội thánh thì rõ ràng trái ngược với lời dạy dỗ của ông trong các chương trước.
Trong chương 11 của thư này, Phaolô đã dạy rất rõ về cách thức mà phụ nữ (hoặc nam giới) phải cầu nguyện và nói tiên tri.
Sau những lời chỉ dẫn rõ ràng về việc phụ nữ tham dự vào nghi lễ ở Hội thánh, không lẽ Phaolô lại trở ngược lại hủy bỏ những lời dạy dỗ đó mà khóa miệng phụ nữ sao? Đương nhiên là không! Điều này không hợp lý chút nào.
1. Ba Từ Được Giải Thích
Nếu muốn hiểu điều Phaolô dạy người Côrinhtô thì cần phải giải thích 3 từ trong đoạn trên. Đó là phụ nữ, nói (speak) và nói (said).
a.Phụ Nữ: Từ “phụ nữ” trong đoạn này là từ Hy Lạp “gune”. có nghĩa là người vợ. Đây là lời chỉ dẫn đặc biệt dành cho những người vợ.
b.Nói (speak ): Từ “nói” là từ Hy Lạp “Laleo” có nghĩa là bài nói chuyện dài dòng; lateo còn có nghĩa phô trương và gọi to (một người nào ở phía bên kia của phòng) mà không có sự tôn trọng người khác.
c.Nói (said ): Ngược lại với từ Lateo, “said” đến từ tiếng Lego có nghĩa trình bày (một ý tưởng hay giáo lý) một cách có hệ thống.
Lego được khuyến khích, còn Laleo không được khuyến khích.
Dịch diễn ý thì hai câu trên sẽ như sau: Đừng để cho những người vợ cắt ngang buổi nhóm của Hội thánh với một bài nói chuyện dài dòng, khoe khoang hay gọi người nọ người kia một cách mất trật tự không tôn trọng người khác vì họ không được phép làm như vậy, nhưng họ phải phục tùng như luật pháp dạy (lego). Nếu họ muốn học khôn thì hãy hỏi chồng ở nhà với vì đàn bà nói (Laleo) trong Hội thánh là không hợp lẽ.
2. Thái Độ Lịch Thiệp Là Cần Thiết.
Tôi đã ở Ysơraên nhiều năm và làm mục sư cho một hội chúng nói tiếng Arabic, lần kia đang nửa bài giảng, có một phụ nữ bắt đầu nói lớn tiếng với một phụ nữ khác, họ đối đáp nhau trong nhiều phút. Tôi phải ngừng lại và đợi họ.
Tôi hỏi người phiên dịch: “Họ đang nói chuyện gì vậy?”. “Ồ”, ông ta đáp: “Bà này đang hỏi giá trứng gà và những loại rau khác nhau và bà kia trả lời”.
Lúc đó tôi nhã nhặn yêu cầu người phụ nữ ngồi xuống và giữ yên lặng. Rồi tôi ra lệnh cho Hội thánh đó: “Đàn bà phải nín lặng trong Hội thánh. Nếu không tôi sẽ mời ra khỏi. Các vị đang làm gián đoạn bài giảng và biểu lộ sự bất kính đối với Lời của Đức Chúa Trời cũng như đối với người khác trong Hội thánh.
Qua kinh nghiệm này tôi hiểu rõ vấn đề mà Phaolô phải đối diện tại Hội thánh Côrinhtô.
Ông không chối bỏ những biểu lộ đúng đắn của phụ nữ trong chức vụ cầu nguyện, tiên tri, chữa bệnh hay những chức vụ khác.
Ông chỉ cố gắng đem sự lịch thiệp đến cho những phụ nữ ngoại bang ít học, chất phát có thái độ làm xúc phạm đến những thành viên uyên bác Do Thái của Hội thánh cũng như những khách mời có thể tham dự buổi nhóm. “Vậy, khi cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao? ” (14:23).
Phaolô quan tâm đến ý kiến chung. Thái độ cư xử đúng đắn và lịch thiệp rất cần thiết trong các buổi nhóm chung ở Côrinhtô. Những người Côrinhtô quá thô lỗ, thậm chí còn say sưa trong bữa tiệc thánh (xem 11:20-26).
Những vấn đề thiếu lịch sự, không biết cách cư xử, phép lịch sự và sự đúng đắn nơi công cộng là những điều mà Phao lô dạy dỗ. Ông không hề bịt miệng phụ nữ để họ không thể nói hay tham dự vào buổi lễ ở Hội thánh.
3. Bản dịch Của Phụ Nữ.
Theo tôi biết, Montgomery là phụ nữ duy nhất đã dịch toàn bộ Tân Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh. Bà đã đưa ra lời dịch khá thú vị cho đoạn trên.
Câu 34:- Đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em, họ không có phép nói tại nơi đó nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy.
Theo quan điểm của Montgomery thì khi Phaolô viết câu 36, 37, ông thách thức sự dạy dỗ của người Côrinhtô và truyền cho họ không được dạy dỗ như vậy nữa. Phaolô thách thức những quan điểm phụ nữ phải giữ im lặng.
Câu 36: Có phải đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng? (Những câu hỏi này há chẳng hàm ý sự thách thức của Phaolô là gì?).
Câu 37: Nếu ai tưởng mình là tiên tri hay là được Đức Thánh Linh soi sáng, thì người ấy hãy biết rằng điều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa (14:34-36, 37). Nói một cách khác, Phaolô muốn nói: “Hãy làm điều tôi truyền ra, đừng dạy dỗ những giáo lý sai trái về việc phụ nữ nói tại Hội thánh ”.
“Cá nhân tôi tin vào những bản văn Hy Lạp ủng hộ giả thuyết đầu tiên giải thích từ Laleo – Nói.
Tuy nhiên ý kiến của Montgomery cũng có thể có giá trị. Cả hai lời giải thích đều làm sáng tỏ hơn đoạn văn đã bị hiểu lầm và áp dụng sai lạc trong nhiều Hội thánh.
D. ĐOẠN KINH THÁNH GÂY VẤN ĐỀ 2: CẤM DẠY DỖ.
Trong một thư khác, Phaolô viết: “Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông, nhưng phải ở yên lặng ”.
1. Ý Nghĩa Thật.
Từ “dạy” là chìa khóa để hiểu vấn đề trong đoạn kinh thánh này. Tiếng Hy Lạp là “Didasralevcol” nghĩa là chỉ dẫn hay dạy dạy giáo lý.
a.Phụ Nữ Không Được Thiết Lập Giáo Lý. Phụ nữ không được quyền thiết lập các tiêu chuẩn của giáo lý. Đó là nhiệm vụ của hội đồng các sứ đồ (Cong Cv 15:1-41). “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện ” (2:42).
Hội đồng các sứ đồ đặt ra những chuẩn mực giáo lý và phụ nữ giữ chức vụ phải tôn trọng những chuẩn mực này và không dạy điều trái ngược. Luật lệ này không chỉ dành cho phụ nữ mà còn dành cho cả nam giới nữa.
“Và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hymênê và Philít thật như thế, họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy ”(IITi 2Tm 2:17-18). Hai người nam này xây bỏ khỏi giáo lý của các sứ đồ và bị định tội.
Một nữ tiên tri tại Hội thánh ở Thiarơ đã làm giống vậy. Hội thánh tại đó đã bị quở trách vì đã cho phép sự xây khỏi lời dạy dỗ của các sứ đồ.
Dựa vào những điều trên, chúng ta hãy thử xem một lời dịch mở rộng về vấn đề này ra sao.
“Tôi không cho phép đàn bà dạy một giáo lý nào trái với những lời dạy dỗ của các sứ đồ và qua đó cướp quyền của họ nhưng phải ở yên lặng ”(ITi1Tm 2:11, 12)
Dường như Phaolô lo lắng là phụ nữ lập ra giáo lý thì thường dẫn đến sai lầm trong khi nam giới thì ít bị như vậy.“Lại không phải Ađam bị dỗ dành bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi ” (2:14).
b.Phụ Nữ Không Được Có Quyền Trên Nam Giới. Một bản dịch khác của câu này ủng hộ sự giải thích trên “nhưng tôi không cho phép một người nữ dạy một người nam hay cướp quyền của người nam ”(2:11, 12), lối dịch này sẽ chính xác nếu dấu phẩy (,) không có trong câu đó (giống trong bản King James). Vấn đề là – trên người nam – có nghĩa là có quyền trên người nam. Xin đọc ICo1Cr 11:1-3 để nhận định thêm về điều này.
2. Phụ Nữ Nên Chia Sẽ Trong Chức Vụ.
Để kết luận xin hãy xem xét điều sau. Dù có quan điểm nào đi chăng nữa thì chắc chắn ý tưởng phụ nữ ngồi trong buổi nhóm và không dự phần vào thì hoàn toàn không phù hợp với Kinh thánh đã được trình bày và đã chứng minh điều ngược lại.
Phụ nữ phải chia xẻ chức vụ chinh phục linh hồn. Cầu nguyện, nói tiên tri, phép lạ và làm chứng cho Đấng Christ cũng dành cho phụ nữ nữa. Tôi không thấy trong Kinh thánh có sự khác biệt nào giữa người nam và người nữ trong việc thi hành chức vụ miễn cả hai theo đúng những giới hạn đã giải thích phía trên.
Điều này quan trọng vì phụ nữ là một đội quân chinh phục linh hồn rất hùng hậu có thể chia sẻ chức vụ rao truyền Tin lành theo mạng lệnh của Đấng Christ.
Trong nhiều tổ chức của Hội thánh, phụ nữ bị cấm nói hay dạy dỗ do một vài câu giải thích nào đó của Phaolô. Những lời dạy dỗ thực tế này rất cần thiết vì những hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ với những Hội thánh của thế hệ chúng ta.
a.Phụ Nữ Như Là Những Giáo Sư. Phaolô viết cho Tít và dạy dỗ Tít về vai trò của phụ nữ như là những giáo sư.
“Các bà già cũng vậy… phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết na trinh chánh, trông nom việc nhà, lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho Đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào ”(Tit Tt 2:3-5).
Chúng ta lưu ý là từ “dạy dỗ ” sử dụng trong lời khuyên với phụ nữ cũng chính là từ Hy Lạp (didakilos) được sử dụng khi nêu ra những đức tính của một giám mục hay trưởng lão (xem ITi1Tm 3:2; IITi 2Tm 2:24) là “có tài dạy dỗ ”.
E. PHỤ NỮ NGOÀI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THÁNH.
Nếu Hội thánh bạn cứ khăng khăng đòi bịt miệng phụ nữ “trong Hội thánh ”thì không hề có truyền thống hay lời dạy nào trong Kinh thánh giới hạn chức vụ của phụ nữ Cơ Đốc NGOÀI NƠI THÁNH và đó chính là nơi mà chức vụ chinh phục linh hồn có hiệu quả nhất.
Vợ của một nhà truyền giáo nổi tiếng đã nêu những câu hỏi sau:
Tại sao phụ nữ lại cảm thấy bị hạn chế trong chức vụ chỉ vì họ không được nói trong Hội thánh?
“Sứ điệp Cơ Đốc cũng như lời làm chứng và chức vụ của phụ nữ cần thiết cho bên ngoài nơi thánh hơn là bên trong, gấp cả đến triệu lần”.
1. Toàn Thể Thế Giới Là Công Trường Của Chúng Ta.
“Phụ nữ không cần cảm thấy bị coi thường khi không được phép nói trong Hội thánh. Chức vụ và sứ điệp của phụ nữ có giá trị nhiều nhất LÀ NƠI CÓ CÁC TỘI NHÂN.
Vậy thay vì than phiền về những góc nhỏ nơi chúng ta bị giới hạn, các chị em phụ nữ ơi, hãy ngước mắt lên và nhìn ra cánh đồng của TOÀN THẾ GIỚI nơi mà những lời diễn giải truyền thống về sự cấm đoán của Phaolô không được áp dụng.
2. Giới Hạn Ở Đâu?
Nếu chúng ta cảm thấy bị bắt buộc tuân theo những giới hạn tại các buổi nhóm của Hội thánh thì chúng ta có cảm thấy bị bắt buộc tuân theo Chúa Giêxu Christ ở bên ngoài nơi thánh không? Vậy, chúng ta nên tuân theo truyền thống hơn là Đấng Christ sao?
Vậy, nơi đâu là những giới hạn cho phụ nữ?
Truyền thống nói: “Một phụ nữ có thể dạy lớp Trường Chúa Nhật hay những nhóm học và thậm chí có thể đứng giữa Hội thánh làm chứng về những gì Chúa đã làm cho người ấy. Có những người cho phép phụ nữ đi làm giáo sĩ tại một quốc gia khác hay chăm sóc tại nhà, nhưng người ấy không được truyền giảng hay giảng dạy”.
Nhưng chúng ta phải thận trọng kẻo không thì chúng ta bắt đầu chẻ sợi tóc ra làm bốn. Ví dụ: Nếu một phụ nữ có thể ra ngoài Hội thánh và làm chứng, người ấy có được nói về Kinh thánh trong bài làm chứng không? Nếu vậy thì nói đến mức độ nào sẽ bị coi là đang truyền giảng.
Nếu phụ nữ được làm chứng thì bà có thể lên cao giọng đến mức độ nào để bài làm chứng không biến thành bài giảng đạo?
Nếu một phụ nữ có thể làm chứng cho một tội nhân, nếu như có một nhóm tụ tập lại thì bà có thể làm chứng cho 10 hay 100 hay 1000. Đến lúc nào thì bài làm chứng sẽ vượt qua những giới hạn dành cho phụ nữ. Có bao nhiêu người nhóm lại thì bà phải im tiếng và gọi một người nam nói tiếp.
Nếu bà có thể làm chứng cho một tội nhân trong xe điện ngầm hay tại nhà riêng thì bà có thể làm chứng cho một người ở trên lề đường, trong công viên hay trong một cái lều mà bà định dựng lên không? Đến mức độ nào thì sự làm chứng của bà bị cấm?
Nếu đang làm chứng trên một lối đi thì có một nhóm tụ tập lại. Bà có thể đứng lên một tảng đá để những người khác cùng nghe được không? Giả sử bà đang làm chứng ở lề đường. Bà có thể leo lên những bực thang gần đó và nói to hơn để những người khác có thể nghe được không?
Nếu vậy bà có thể leo lên cái hộp hay cái ghế hoặc cái bục. Một cách chính xác người phụ nữ có thể nói lớn tiếng đến mức độ nào hay đứng cao đến đâu thì vượt qua giới hạn bị cấm đoán đối với phụ nữ và xâm nhập vào lãnh vực thiêng liêng của đàn ông?
Nếu bà có thể cầu nguyện với một tội nhân thì bà có thể cầu nguyện với 2, 10 hay 100 tội nhân một lần được không? Bao nhiêu thì sẽ là quá nhiều đối với một phụ nữ.
Nếu một phụ nữ có thể làm chứng thì cũng có thể dạy hay truyền giảng không? Sự khác biệt là gì? Ai là người muốn chẻ sợi tóc giữa làm chứng, giảng đạo, dạy đạo, truyền giảng hay nói, để phụ nữ có thể biết họ phải vâng lời Chúa Giêxu BÊN NGOÀI NƠI THÁNH y như là họ phải vâng theo các truyền thống BÊN TRONG nơi thánh.
Không lẽ ngày nay đội quân phụ nữ Cơ Đốc có văn hóa, có giáo dục, có phẩm chất lại phải lặng yên không rao truyền Tin lành chỉ vì hai lời dặn của Phaolô đối với một nhóm phụ nữ thiếu văn hóa, thiếu giáo dục cứ nói lớn tiếng với chồng mình từ cuối hàng của Hội thánh về những vấn đề mà vào lúc đó họ chưa đủ kiến thức để thảo luận sao?
Những phụ nữ Cơ Đốc ngày nay lại phải chịu giới hạn bởi những phong tục cổ xưa sao?
Tôi thấy thật vô lý khi khóa tay một đội quân phụ nữ Cơ Đốc. Dường như chúng ta đang để mặc những linh hồn tội lỗi xuống địa ngục bằng cách giới hạn phụ nữ hoạt động trong lãnh vực rao truyền Tin lành trên toàn thế giới. Ngăn chặn dân sự làm chứng nhiệt tình cho Đấng Christ khi thế kỷ 20 này đang suy tàn nhanh chóng là một bi kịch.
3. Khuyến Khích Họ Đi Ra.
Hàng ngàn phụ nữ Cơ Đốc mạnh mẽ sẽ sung sướng ra đi và tạo những thành tích cho Đức Chúa Trời nếu không bị ngăn chặn lại. Làm sao những người nam Cơ Đốc chúng ta có thể trả lời về huyết của hàng triệu linh hồn hư mất mà có thể được cứu qua chức vụ truyền giảng của những phụ nữ can đảm của Đức Chúa Trời nếu họ được khuyến khích ra đi.
Tôi không thể không tự hỏi: Nếu như những mệnh lệnh của Phaolô cho những phụ nữ thiếu văn hóa và ồn ào được áp dụng cho những phụ nữ có giáo dục của thế kỷ này thì tội lỗi của những phụ nữ ra đi để truyền giảng và chinh phục linh hồn,- hàng trăm, hàng ngàn linh hồn, lớn như thế nào?
Tôi muốn thách thức phụ nữ lao vào những mục tiêu to lớn cho Đấng Christ y như cách họ tổ chức và điều hành công việc kinh doanh.
Nếu như họ chinh phục được nhiều linh hồn như vậy, thì tôi xin chịu trách nhiệm về tất cả mọi tội lỗi của họ. Và tôi tin rằng có nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc khác cùng đồng ý với tôi nữa.
Chúng ta hãy cùng hiệp ý để cầu nguyện cho một đạo quân của phụ nữ thuộc linh sẽ làm sạch thế giới cho Chúa Giêxu.
4. Chúa Giêxu Chọn Một Phụ Nữ.
Một trong những câu Kinh thánh có ý nghĩa nhất được tìm thấy trong GiGa 20:18. Bản dịch “Living Bible” nói như sau: “Mari Mađơlen đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa và Ngài đã phán cùng mình những điều đó”.
Tôi không hiểu vì sao những người nam không có mặt ở đó vào buổi sáng khi Chúa chúng ta sống lại. Họ đã nghe lời Ngài. Ngài đã nói với họ là Ngài sẽ sống lại. Nhưng họ đã quá sợ hãi và nghi ngờ.
Nhưng Mari Mađơlen đã ở đó. Bà thấy Ngài và Ngài gọi tên bà. Bà được Chúa phục sinh thăm viếng.
Chúa Giêxu chọn một phụ nữ để làm người đầu tiên loan báo sự sống lại. Mari Mađơlen giảng bài giảng đầu tiên loan báo rằng Đấng Christ đã sống lại.
Sứ điệp về sự sống lại là trọng tâm của Cơ Đốc Giáo.“Nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình ” (ICo1Cr 15:17). RoRm 10:9, 10 đã ràng rịt sự cứu rỗi của mỗi người với niềm tin là “Đức Chúa Trời đã khiến Giêxu từ kẻ chết sống lại ” và công bố sự kiện này cho toàn thế giới.
SỰ SỐNG LẠI là sứ điệp vĩ đại nhất của Hội thánh và Chúa Giêxu ra lệnh cho một phụ nữ là người đầu tiên đem sứ điệp đó đi. Ngài nói: “Nhưng hãy đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi”.
Hãy thử nghĩ xem: Chúa Giêxu phái một phụ nữ đi rao báo sứ điệp vĩ đại nhất của Hội thánh CHO CHÍNH CÁC SỨ ĐỒ.
Chúng ta có thể cấm phụ nữ làm điều Chúa Giêxu bảo một phụ nữ làm không?
Chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn cho sự làm chứng của một phụ nữ khi Chúa Giêxu đã chọn một phụ nữ để đem sứ điệp đầu tiên của Hội thánh sau khi Ngài sống lại, một sứ điệp hết sức cần thiết và mạnh mẽ của Cơ Đốc Giáo không – đó là “ĐẤNG CHRIST ĐÃ SỐNG LẠI?”.
Chúng ta có dám ngăn trở phụ nữ Cơ Đốc hay hạn chế một số người có thể làm chứng, khi Đấng Christ sử dụng một phụ nữ để rao báo sứ điệp căn bản của Cơ Đốc Giáo cho chính những sứ đồ – những nhà lãnh đạo của Hội thánh. Mari Mađơlen “nói cho họ sứ điệp của Đấng Christ”.
5. Nếu Tôi Là Phụ Nữ.
Phụ nữ Cơ Đốc có thể nào tiếp tục im lặng khi có quá nhiều phụ nữ trong Kinh thánh là sứ giả cho Đức Chúa Trời không?
Phụ nữ Cơ Đốc có dùng lời lẽ của Phaolô như là lời bào chữa cho việc mình chỉ góp phần rất ít hoặc không hề góp phần vào chức vụ truyền giảng Tin lành không? Có phải điều này thích hợp cho việc thiếu tinh thần tận hiến cũng như lòng can đảm để chinh phục linh hồn của họ không?
Phụ nữ Cơ Đốc có sẵn sàng chấp nhận quá nhiều giới hạn trong chức vụ rao truyền Tin lành của Đức Chúa Trời không, khi phụ nữ trên thế giới đang khẳng định ảnh hưởng và hiệu quả của họ trong các lãnh vực kinh doanh, khoa học, y khoa, chính trị và chính quyền?
Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ muốn vâng theo những lời dạy dỗ của Chúa Giêxu Christ dành cho tôi ở thế giới bên ngoài Hội thánh ít nhất cũng phải nhiều bằng sự vâng theo truyền thống bên trong nhà thờ.
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn được xem là một Cơ Đốc Nhân, một tín đồ, một người đi theo Đấng Christ, một chứng nhân cho Ngài, một sứ giả về sự sống lại, một người đi chinh phục những linh hồn về cho Chúa
Nếu tôi là một phụ nữ, tôi muốn làm công việc của một Cơ đốc nhân, nhận biết rằng Đấng Christ đang sống trong tôi, Ngài phục vụ qua tôi, Ngài phán qua đời sống tôi, Ngài yêu thương và hầu việc qua tôi, và thân thể tôi là thân thể của Ngài, Ngài sẽ tiếp tục chức vụ của Ngài QUA tôi “như Đức Chúa Trời đã sai phái Đấng Christ vào trong thế gian thể nào thì Đấng Christ cũng phái tôi vào trong thế gian thể ấy” (GiGa 17:18, 20-21).
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn làm những điều Đấng Christ bảo những người tin Ngài phải làm, thậm chí nếu phải chịu bắt bớ để làm điều đó. Chúa đã chịu khổ vì tôi nên tôi sẽ sẵn sàng chịu khổ vì Ngài.
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn là một trong những người khôn ngoan, là người ” nghe những lời dạy của Đấng Christ rồi làm theo (Mat Mt 7:24), xây dựng chức vụ chinh phục linh hồn của tôi trên vầng đá đức tin và hành động.
Nếu tôi là một phụ nữ được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Cong Cv 1:8), tôi muốn là một CHỨNG NHÂN cho Đấng Christ “tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và Samari và cho đến cùng trái đất ”.
Nếu tôi là một phụ nữ, tôi sẽ vui mừng vì tiên tri Giôên đã nói: “Sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên các loài xác thịt, con trai và CON GÁI CÁC NGƯƠI sẽ nói tiên tri, những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao ” (Gio Ge 2:28), vì sứ đồ Phierơ đã giảng rằng: “Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên các loài xác thịt, các tôi trai và TỚ GÁI các ngươi đều nói lời tiên tri ”(Cong Cv 2:18).
Tôi thường rất vui vì tiếng Hêbơrơ mà Giôên sử dụng có nghĩa là:
“Hãy nói hoặc hát theo sự cảm động; để tiên tri hay giảng đạo ”. Và tiếng Hy Lạp mà Phierơ sử dụng có nghĩa là: “Để nói dưới sự cảm động Thiên Thượng; để thực thi chức vụ tiên tri; để làm một diễn giả được cảm động”.
Nếu tôi là một phụ nữ, hẳn tôi sẽ mừng vui vì Chúa Giêxu không bao giờ phân biệt giới tính. Tôi hẳn sẽ cảm động vì cớ có những người phụ nữ đã liên kết với đời sống và chức vụ của Ngài.
Tôi hẳn sẽ muốn thành người phụ nữ thấp hèn nhất của thành Samari, là người mà ngay khi tin Chúa Giêxu đã bỏ rơi bình nước và đem Tin lành đến cả thành phố cho Chúa Giêxu. Trong GiGa 4:1-54“Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Chúa Giêxu… có nhiều người Samari ở thành đó tin Ngài ”.Vì cớ lời chứng và chức vụ giảng Tin lành của MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ (câu 30, 39).
6. Một Chức Vụ Không Bị Giới Hạn.
Trong cuộc sống, phụ nữ có một vai trò được ơn trên ban cho, họ gánh nhiều trách nhiệm về gia đình, và luôn luôn thuận phục chồng trong Chúa. Họ cũng có một ảnh hưởng không sánh được trên chồng con và toàn thể gia đình của họ.
Có người nói rằng: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới”.
Làm mẹ là một đặc ân thiêng liêng được ban cho trong đời sống, mà còn trổi hơn bất cứ phần thưởng cùng niềm vui nào mà một người đàn ông đã từng nhận được.
Sự duyên dáng và ảnh hưởng tự nhiên của một phụ nữ thì thật là xuất sắc và xứng đáng vượt trên mọi đức tính.
Người phụ nữ có một chức vụ không bị hạn chế nếu họ muốn làm theo điều Chúa Giêxu bảo: đi làm chứng, chinh phục linh hồn, giảng Tin lành; lãnh vực của họ là CẢ THẾ GIỚI này.
Đừng để một phụ nữ nào bị in trí bởi những hạn chế áp đặt lên chức vụ của họ trong những góc nhỏ của thế giới mà ta gọi là Hội thánh, trong khi chẳng ai áp đặt giới hạn nào trên chúng ta ở BÊN NGOÀI NƠI THÁNH đó.
Chức vụ mà Chúa Giêxu gởi trao cho môn đồ khi Ngài đi khỏi, chỉ có thể thực thi ở bên ngoài Hội thánh. May mắn cho phụ nữ là không có tập tục hay câu Kinh thánh nào ngăn cấm chức vụ của họ ở đó cả.
Cho nên, sứ điệp của phần này được rao giảng cho cả nam lẫn nữ, là phải đi đến những nơi có tội nhân, và CỨ TIẾP TỤC ĐI RA NGOÀI NƠI THÁNH, ra khỏi những đại lộ và ngã tư đông đúc của xã hội, vào trong những hội trường công cộng, các rạp hát, công viên, lều trại, vào các ngôi nhà, vào các nhà lưu động, dưới những tàng cây, và nói với thế giới rằng: “Tôi đã nhìn thấy Chúa” rồi “GỞI CHO HỌ SỨ ĐIỆP CỦA NGÀI” (GiGa 20:18).